Hơn 100.000 tỉ đồng... bất động
Các ngân hàng thương mại như đang ngồi trên đống lửa vì nắm trong tay quá nhiều vốn dư thừa, lên đến hơn 100.000 tỉ đồng (4,5 tỉ USD) với lãi suất huy động cao, nhưng lại nghẽn đường ra.
Loanh quanh trong hệ thống ngân hàng
Trong cuộc họp với các ngân hàng (NH) thương mại mới đây, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thừa nhận hệ thống đang dư thừa tiền vì huy động từ dân cư dồi dào mà cơ hội cho vay ra thì hạn chế. Vào cuối tháng 5, thời điểm NHNN mua vào khoảng 8 tỉ USD cho dự trữ ngoại hối, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) tính toán toàn hệ thống đang dư thừa hơn 95.000 tỉ đồng. Đến lúc này, thanh khoản NH còn dồi dào hơn nữa, biểu hiện rõ nhất là lãi suất của tín phiếu kỳ hạn 14 ngày giảm dần và ở mức rất thấp 0,5%, gần bằng với lãi suất liên NH qua đêm cũng đang ở mức thấp kỷ lục của lịch sử là 0,55%.
Trong khoảng 3 tháng nay ước tính NHNN tiếp tục mua vào thêm 2 - 3 tỉ USD nữa, tổng cộng 10 - 11 tỉ USD từ đầu năm đến nay, tương ứng bơm ra một lượng tiền đồng là 223.000 tỉ đồng, mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. “Hiện tại chưa thấy NHNN cập nhật con số tăng trưởng cung tiền. Nhưng theo như quan sát, nguồn vốn dư thừa của hệ thống NH thậm chí còn tăng lên hơn nữa, vượt mức 100.000 tỉ đồng, tương đương 4,5 tỉ USD đang nằm một chỗ”, chuyên gia phân tích của một công ty chứng khoán tính.
|
Ảnh: Diệp Đức Minh |
Dư thừa tiền nhưng nghịch lý là các NH không dám giảm lãi suất huy động. Từ đầu năm đến nay, lãi suất tiền gửi ở các NH tăng dần đều và bám đuổi sít sao nhau. Đơn cử lãi suất kỳ hạn 12 tháng ở VietinBank đã vọt lên đến 6,8% thì lãi suất kỳ hạn 13 tháng ở NH OCB đã lên đến 7,7%/năm. Gửi tiền ở Vietcombank kỳ hạn 3 tháng được 5,1% thì gửi kỳ hạn 1 tháng ở VPBank đã được hưởng 5,2%/năm. “Lãi suất phải cao mới giữ chân được người gửi. Chỉ cần khách hàng nghe giảm lãi suất là họ rút tiền đi sang NH bên cạnh”, lãnh đạo một NH TMCP giải thích lý do lãi suất tiền gửi ở NH này cao nhất nhì trên thị trường.
"Hiện tại chưa thấy Ngân hàng Nhà nước cập nhật con số tăng trưởng cung tiền. Nhưng theo như quan sát, nguồn vốn dư thừa của hệ thống ngân hàng thậm chí còn tăng lên hơn nữa, vượt mức 100.000 tỉ đồng, tương đương 4,5 tỉ USD đang nằm một chỗ"
Chuyên gia phân tích của một công ty chứng khoán
|
Theo vị này, lý do khiến NH buộc phải bám vào thị trường huy động dân cư là bởi họ không còn nhiều cơ hội vay mượn tiền lẫn nhau trên thị trường liên NH vì hiện nhiều NH đang có khó khăn riêng, nơi thì đang thuộc diện bị giám sát đặc biệt, nơi thì đang loay hoay xử lý nợ xấu hậu sáp nhập, chỗ thì xung đột nội bộ, NH thì đang đối diện với áp lực tăng vốn để đáp ứng chuẩn Basel II. "Vì thế, nhiều NH không còn tin nhau nên muốn vay phải thế chấp tài sản, như trái phiếu chính phủ. Anh phải đưa trái phiếu đây tôi mới cho vay”, lãnh đạo NH trên giải thích.
Để có tài sản thế chấp là một trong những lý do NH đổ xô vào trái phiếu chính phủ. Chính vì vậy, tuần qua chính thức đánh dấu việc hoàn thành kế hoạch huy động trái phiếu chính phủ cả năm 2016 của Kho bạc Nhà nước. Tổng khối lượng huy động trái phiếu chính phủ đã đạt 100,36% so với kế hoạch đề ra, tương đương 250.900 tỉ đồng chỉ trong vòng 8 tháng rưỡi. Cũng chính vì lượng cầu lớn, nên lãi suất trái phiếu giảm dần, như lãi suất trái phiếu kỳ hạn 3 năm giảm còn 5,2%/năm, khiến NH “tiến thoái lưỡng nan”: “Một mặt chúng tôi tăng lãi suất huy động để giữ chân khách, nhưng mặt khác lại phải mua trái phiếu chính phủ với lãi suất thấp”, phó chủ tịch một NH TMCP cho biết.
Tín dụng nghẽn đầu ra
Tiền nhiều nhưng NH không cho vay ra được. Trong khi tín dụng 8 tháng tăng 9,09% thì vốn huy động đã xấp xỉ ngưỡng 10% từ tháng 7. Theo công bố thông tin mới đây của NHNN về tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động (LDR) của các tổ chức tín dụng trong tháng 6.2016, tỷ lệ LDR đã giảm liên tục từ mức 89,3% hồi tháng 1 xuống còn 86,4% trong tháng 6. Trong đó, nhóm NH nhà nước có dư nợ cho vay trên huy động là 93,93%, NH cổ phần là 78,58%, NH nước ngoài là 63%, công ty tài chính gần 300%, tổ chức tín dụng hợp tác là 96%. Đó là chưa kể, tăng trưởng tín dụng trong 2 tháng gần đây chững lại, thấp hơn so cùng kỳ năm ngoái, càng khiến tiền ứ đọng. “Đã có thời kỳ tỷ lệ LDR là 100%, vay giảm sút như vậy cho thấy NH bị nghẽn đầu ra”, chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh nhận định.
Bà Mỹ Hạnh, giám đốc một DN, kể bà đi vay tiền đầu tư trang thiết bị cho nhà máy ở Củ Chi, định bụng chờ đến ngày giải ngân lấy ra một ít để làm vốn lưu động. Nhưng NH thẳng thừng yêu cầu gửi thông tin của bên bán để NH giải ngân theo tiến độ hợp đồng. “Tôi nói chuyển cho tôi để tôi chuyển cho đối tác nhưng NH lắc đầu. Họ quản lý chặt hơn, đưa tiền đến đúng địa chỉ”, bà nói.
Theo ông Đinh Tuấn Minh, các NH trở nên e ngại, phòng thủ, cho vay chặt chẽ hơn một phần là bởi NHNN đưa ra cảnh báo về rủi ro thanh khoản trong việc sửa đổi Thông tư 36, trong đó có việc nâng hệ số rủi ro thanh khoản trong kinh doanh bất động sản từ 150% lên 250%. Việc sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tiềm ẩn nhiều rủi ro về thanh khoản, trong khi nguồn vốn ngắn hạn của các NH chiếm đến 70%. Ngoài ra, nợ xấu NH đang tiếp tục tăng lên. Thống kê báo cáo tài chính quý 2 của 9 NH niêm yết trên sàn cho thấy, tính về con số tuyệt đối, nợ xấu đã tăng thêm 0,78%. Tỷ lệ nợ xấu của BIDV từ mức gần 1,7% cuối năm 2015 vọt lên 2% cuối tháng 6, bằng với tỷ lệ nợ xấu năm 2014. Hay như Eximbank, tỷ lệ này tăng từ 1,86% lên 5,3%, Sacombank từ 1,89% lên 2,91%... Nợ xấu tăng đẩy những khoản trích lập dự phòng tăng mạnh so cùng kỳ năm ngoái. Trong 6 tháng, tổng dự phòng rủi ro cho vay khách hàng của 9 NH đã tăng 16,5%, từ mức 28,8 ngàn tỉ đồng cuối năm 2015 lên 33,58 ngàn tỉ đồng cuối tháng 6. Hiện NH cho gia hạn nợ thêm mười ngày nửa tháng, vì nợ gia hạn không phải tính vào nhóm nợ xấu. Nhưng đó là lý do vì sao nhóm nợ “cần chú ý” tăng vọt. Thống kê cho thấy nhóm “nợ cần chú ý” đã tăng thêm hơn 10.000 tỉ đồng trong 6 tháng, cao hơn tổng nợ xấu từ nhóm 2 đến nhóm 5. “Nợ xấu mới tăng trong khi nợ xấu cũ chưa được xử lý khiến NH run tay cho vay, nên tiền ứ đọng loanh quanh trong hệ thống NH”, ông nói.
Hồng Sương
Thanh Niên