TIẾNG VIỆT  |  ENGLISH
TIN NỔI BẬT
Thời sự thế giới
Cướp biển đổ về Đông Nam Á

Cướp biển đổ về Đông Nam Á

TTO - Năm 2015 khu vực Đông Nam Á xảy ra 178 vụ cướp biển tấn công trong khi tại vịnh Aden và biển Đỏ gần Somalia - xứ sở nổi tiếng với nạn cướp biển - không hề xảy ra vụ nào.

Vào một ngày tháng 4 năm nay tại vùng biển Celebes phía nam Philippines, khi đang ở trong buồng máy của chiếc tàu hướng về Philippines, anh Sembara Oktafian chợt nghe tiếng động bất thường, tiếng la hét trên boong và những tiếng súng.

Cướp biển đã ập lên tàu từ lúc nào và đưa ra thông điệp rất rõ ràng: đi theo chúng, nếu không sẽ bị giết. Chúng bắn bị thương một thuyền viên trên tàu, sau đó bỏ lại anh này cùng Sembara Oktafian (vì không đủ chỗ chứa trên tàu của chúng) và bắt 4 người khác mang đi.

Ông Nur Misuari (phải), thủ lĩnh của Mặt trận giải phóng dân tộc Moro (MNLF), hộ tống công dân Kjartan Sekkingstad người Na Uy sau khi ông này được giải thoát khỏi lực lượng Abu Sayyaf tại Jolo, Sulu, miền nam Philippines ngày 18-9-2016 - Ảnh: Reuters


Điểm nóng của thế giới

Vụ tấn công tàu của anh Sembara Oktafian không phải là vụ việc hi hữu và thậm chí cũng chẳng còn gì bất thường nữa. Theo Cục Hàng hải quốc tế (IMB), số vụ tấn công trên biển tại Đông Nam Á giờ đã chiếm phần lớn trong tổng số các vụ cướp biển toàn cầu, vượt qua cả số vụ ở khu vực Sừng châu Phi (hay còn gọi là vùng Đông Bắc Phi). Các chính phủ Đông Nam Á cũng đang tăng cường hoạt động trấn áp loại tội phạm này.

Ông Noel Choong, giám đốc trung tâm thông tin về cướp biển của IMB tại Kuala Lumpur, Malaysia, cho biết: "Tại Somalia, các vụ tấn công (trên biển) đã giảm. Tại Nigeria vẫn còn một số vụ việc, nhưng không nhiều bằng ở châu Á".

Theo IMB, năm 2015 tại Đông Nam Á xảy ra 178 vụ cướp biển. Cũng theo cục này, trong nửa đầu năm nay, Đông Nam Á tiếp tục là khu vực ghi nhận tới hơn 1/3 trong tổng số 98 vụ cướp biển (kể cả những vụ bất thành) trên toàn thế giới.

Những kẻ tấn công chiếc tàu nói trên sau đó được xác định thuộc nhóm phiến quân Hồi giáo cực đoan Abu Sayyaf ở miền nam Philippines. Đây là nhóm hoạt động theo kiểu một băng nhóm tội phạm chuyên bắt cóc đòi tiền chuộc trong hơn hai thập kỷ qua.

Abu Sayyaf cũng đã tuyên bố trung thành với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Và không chỉ nhóm Abu Sayyaf hoạt động tại các vùng biển trong khu vực.

Trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 8 năm nay, Abu Sayyaf đã bắt cóc 25 người Indonesia và 6 người Malaysia trong các vụ tấn công dọc tuyến hải trình thương mại trọng yếu liên quan tới hoạt động vận chuyển than ở quần đảo Sulu. Nhóm cực đoan này vẫn đang tiếp tục giam giữ 9 thủy thủ Indonesia khác trong các vụ tấn công gần đây.

Trước tình trạng gia tăng báo động của nạn bắt cóc đòi tiền chuộc, tháng 5 năm nay Indonesia, Malaysia và Philippines đã thống nhất tiến hành các đợt tuần tra bảo vệ an ninh hàng hải tại quần đảo Sulu và thiết lập đường dây nóng giữa ba nước.

Trong tháng 8, ba quốc gia cũng đã đồng thuận trong việc cho phép tiến hành các vụ "truy đuổi nóng" những kẻ bắt cóc và cướp biển có vũ trang. Theo đó, lực lượng cảnh sát biển của nước này có thể đi vào lãnh hải nước kia để truy đuổi tội phạm.

Tháng 5 năm nay, hải quân Indonesia đã ngăn chặn thành công một vụ cướp tàu chở dầu ngoài khơi bờ biển phía tây nam đảo Borneo và bắt 9 nghi phạm.

Tuy nhiên trên thực tế, theo báo cáo của Sáng kiến toàn cầu chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (Global Initiative Against Transnational Organized Crime), các vụ tấn công tàu chở dầu ngày càng giảm dần khi giá dầu thế giới lao dốc.

Chê dầu thô, cướp biển nhắm vào tàu chở hàng

Hiện tại thay vì tấn công các tàu chở dầu, nhiều nhóm cướp biển chỉ nhằm vào các tàu chở hàng hóa thương mại có giá trị và có thể bán được tại chợ đen.

Ông Karsten von Hoesslin, chuyên gia nghiên cứu về tình trạng cướp biển đồng thời là người dẫn chương trình “Lawless Oceans” trên kênh National Geographic, cho biết:

"Hầu hết các băng nhóm tội phạm chuyên cướp tàu chở nhiên liệu đang chờ đợi giá nhiên liệu tăng trở lại rồi mới tiếp tục tấn công những tàu đó. Và trong khi chờ tới lúc ấy thì chúng sẽ tấn công các tàu chở những loại hàng hóa hiện tại có giá trị hơn".

Cũng phải nói rằng trước khi xảy ra tình trạng gia tăng số vụ cướp biển thì Đông Nam Á cũng đã có những thành công nhất định trong công tác trấn áp loại tội phạm này. Năm 1993, thống kê của IMB chỉ ghi nhận khoảng 20 vụ tấn công trên biển ở khu vực này. Tuy nhiên con số đó đã tăng dần lên gần 250 vụ vào năm 2000.

Các chuyến tuần tra chung giữa Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan ở eo Malacca, một trong những tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới, đã giúp giảm đáng kể số vụ cướp biển trong giai đoạn 2006-2009. Năm 2008 chỉ có 54 vụ tấn công trong khu vực này, trong khi cùng thời điểm ấy ở vịnh Aden và biển Đỏ là 92 vụ.

Các vụ bắt cóc xảy ra gần đây khiến Chính phủ Indonesia vô cùng lo ngại. Bởi lẽ các tàu của Indonesia là những mục tiêu hàng đầu của nhóm phiến quân Abu Sayyaf.

Indonesia đã dàn xếp việc trả tiền chuộc lên tới hơn 1 triệu USD để 10 thủy thủ của nước này bị Abu Sayyaf bắt cóc và giam giữ từ cuối tháng 3 được phóng thích.

Thế bất an

Một số chuyên gia tỏ ý nghi ngờ về hiệu quả thực sự của các thỏa thuận an ninh được ký kết gần đây giữa các nước trong khu vực.

Giáo sư Zachary Abuza của Học viện Chiến tranh quốc gia tại Washington cũng là chuyên gia về các vấn đề an ninh tại khu vực Đông Nam Á cho rằng các thỏa thuận đó khó đạt được hiệu quả tối ưu vì thiếu một ý chí chính trị và năng lực thực thi.

Ông Abuza nói: "Các quốc gia này rất thận trọng trong vấn đề lãnh hải, và họ cũng có những phương thức rất hạn chế để bảo vệ mình, điều này khiến họ rơi vào thế rất bất an".

 

D.KIM THOA

(duongkimthoa@tuoitre.com.vn)