Vũ khí Trung Quốc chỉ bán cho nước nghèo
TTO - Mặc dù hầu hết các vũ khí “made in China” nay đã tốt hơn trước, nhưng còn lâu mới bằng được hệ thống vũ khí của phương Tây, Nga và Israel.
Đó là nhận định của ông Richard A. Bitzinger - thành viên cao cấp và điều phối viên chương trình Chuyển đổi quân sự thuộc Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, trực thuộc ĐH Công nghệ Nanyang, Singapore - trong bài báo trên tạp chí Asia Times ngày 17-9.
Bán cho các nước Nam Á, châu Phi
Theo ông Bitzinger, hầu hết vũ khí Trung Quốc bán được chỉ là loại cấp thấp và khách hàng mua vũ khí chính là từ Nam Á và châu Phi. Để duy trì một nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu, Bắc Kinh cần có các sản phẩm cạnh tranh hơn và mở rộng cơ sở khách hàng của mình.
Một trong những lập luận thường xuyên của phía Trung Quốc khi đi chào hàng là kinh nghiệm 20 năm nghiên cứu và sản xuất vũ khí. Ở góc độ nào đó, điều này là đúng vì Trung Quốc cũng sản xuất được một số loại tương đối hiện đại như chiến đấu cơ J-10, tàu ngầm lớp Yuan và xe tăng Type-99.
Những loại mới này chắc chắn vượt trội so với các loại vũ khí bị thay thế vốn là những bản sao vũ khí của Xô viết có niên đại từ năm 1950 như chiến đấu cơ J-7, tàu ngầm lớp Ming và xe tăng Type-59. Trên giấy tờ, Trung Quốc xuất khẩu vũ khí cũng khá thành công.
Năm ngoái, theo số liệu của Viện nghiên cứu Hòa bình quốc tế (SIPRI) tại Stockholm (Thụy Điển), Bắc Kinh thu về gần 2 tỉ USD. Dữ liệu của SIPRI giai đoạn 2011-2015 cũng cho thấy Trung Quốc đã vươn lên hàng nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ ba trên thế giới, chiếm gần 6% tổng thị trường vũ khí. Đây là mức gần gấp đôi của giai đoạn 2006-2010.
Gần đây cũng có tin Trung Quốc ký được các hợp đồng bán tàu ngầm, xe tăng, máy bay không người lái... nhưng dường như đó chỉ là những trường hợp ngoại lệ.
Bằng chứng là hầu hết vũ khí Trung Quốc bán được chỉ cho một số rất ít nước: trong năm năm qua, đến 71% doanh số bán vũ khí Trung Quốc rơi vào ba nước Pakistan, Bangladesh và Myanmar. Phần còn lại đi chủ yếu đến một số nước nghèo ở châu Phi, đặc biệt là Algeria, Nigeria, Sudan và Tanzania.
|
Máy bay chiến đấu J-31 của Trung Quốc trưng bày trong một triển lãm vũ khí. Đây là mặt hàng chào theo giá rẻ cho các nước ít tiền - Ảnh: AFP |
Rẻ vì chất lượng thấp
Kế đến, hầu hết hàng Trung Quốc bán được cũng chỉ là hàng cấp thấp, rẻ tiền: xe bọc thép, vũ khí nhỏ và đạn dược, hay máy bay chiến đấu bản nhái thời Xô viết. Một trong những mặt hàng gọi là cao cấp của Bắc Kinh là loại máy bay K-8 và cũng chủ yếu bán cho các nước đang phát triển ít tiền, dùng cho công tác đào tạo để lái loại máy bay chiến đấu tiên tiến mua sau đó.
Theo nhà nghiên cứu Bitzinger, nhìn chung, các loại vũ khí Trung Quốc sản xuất được và bán đi vẫn chưa có “sức nặng” đủ làm thay đổi cuộc chơi, tức tạo được tác động lớn đến cân đối quyền lực trong khu vực.
Vị trí một nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu của Trung Quốc vì thế vẫn còn mong manh, do lẽ các nước ngay bên dưới có thể trồi lên nếu có được hợp đồng lớn. Bằng chứng là ở vị trí thứ ba trong thị trường vũ khí toàn cầu, nhưng Trung Quốc vẫn còn khoảng cách quá xa so với Mỹ (33%) và Nga (25%), chỉ nhỉnh hơn một chút so với Pháp (5,6%), Đức (4,7%) và Vương quốc Anh (4,5%).
Cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa mở rộng nổi thị trường và cũng chưa có “hàng độc” đủ sức cạnh tranh. Có rất ít quốc gia phải xếp hàng chờ mua các hệ thống vũ khí của Trung Quốc và nếu phải như thế, chắc chắn mua về họ cũng sẽ thay thế một số bộ phận bằng thiết bị an toàn và chất lượng hơn của phương Tây.
Điều này là do ngành công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc vẫn còn rất yếu trong các công nghệ quan trọng như động cơ phản lực và thiết bị điện tử. Một bài báo của New York Times vào năm 2013 từng cho biết Algeria đã mua tàu hộ tống từ Trung Quốc, nhưng sau đó phải mua thêm rađa của Pháp và thiết bị thông tin liên lạc để trang bị thêm cho các tàu này.
Chiến đấu cơ JF-17 của Pakistan cũng phải sử dụng động cơ Nga, trong khi Thái Lan quay sang nhờ Hãng Saab của Thụy Điển nâng cấp các tàu khu trục mua từ Trung Quốc.
NGUYỄN QUÂN
Tuổi Trẻ