TIẾNG VIỆT  |  ENGLISH
TIN NỔI BẬT
Thể thao & Văn hóa
“Hội chứng bồng cháu”

“Hội chứng bồng cháu”

(TBKTSG) - Lần đầu tiên tôi nghe cái cụm từ khá buồn cười “hội chứng bồng cháu” là từ câu chuyện của vợ chồng người bạn vừa sang Canada để chăm nom đứa cháu ngoại đầu.

Chị bạn kể: con gái tôi sinh được mấy tháng thì phải đi làm, không có ai trông cháu, đành nhắn mẹ sang giúp. Thương con thương cháu, anh chị thu xếp bay sang. Làm “bảo mẫu” được ít lâu chị tê nhức cổ tay rồi lan đến cả cùi chỏ. Gọi điện về nước hỏi anh bạn bác sĩ, mới kể qua triệu chứng thì anh bạn đã cười hà hà: “Biết ngay mà, hội chứng bồng cháu từ trong nước lan ra ngoài nước đấy. Lấy nước đá mà chườm vào đi”.

Ảnh: Internet


Chị bạn yên tâm, hóa ra nhiều người đã gặp phải cái “hội chứng” đó. Chị làm theo và đỡ đau. Riêng anh chồng thì không phải chườm nước đá nhưng lại mắc bệnh “sầu xứ” vì hàng ngày, ngoài vài ba lần phụ bà xã bồng ẵm cháu và làm bếp còn thì cứ phải ngồi nhìn tuyết trắng xóa bên ngoài cửa sổ mà nhớ bạn bè, quán xá. Vậy đó, nhưng khi gặp lại anh chị, nghe nhắc đến cháu bé, mắt chị lại sáng rỡ: “Con bé dễ thương lắm! Về đây lại thấy nhớ cháu quá”.

Chăm sóc bé mới sinh đã vất vả, nhưng nuôi dạy trẻ lứa tuổi thiếu nhi nơi xứ người cũng chẳng nhẹ nhàng gì. Tôi có người bà con sang Mỹ trông đứa cháu nội đang học tiểu học (mẹ cháu mất, bố đi làm xa cả ngày) được gần một năm cũng đành rút về sau khi nhờ ông nội sang thay. Cũng không phải chườm nước đá nhưng rất nhiều phen thót tim, lên tăng xông - coi như một dạng hội chứng stress. “Mình đã hơn 60 tuổi rồi mà phải học lái xe chở cháu đi học, đi khám bệnh. Lên đường cao tốc cứ phải nhấn ga chạy cả trăm cây số/giờ thấy lạnh xương sống. Nhiều bữa cứ lâm râm khấn vái: lạy Trời Phật, cầu cho cháu được an toàn, có gì thì xin cho một mình con chịu!”. Lại nữa, mỗi lần thằng bé ấm đầu sổ mũi, bà nội đưa thuốc cảm thì nó xua tay: “Bà nội đâu biết chữa bệnh. Chở con đi bác sĩ thôi”. Tủi thân bà nội - người từng nuôi năm người con khỏe mạnh, thành đạt! Thế mà mỗi lần nhắc đến nó thì chị lại chép miệng “tội nghiệp!”. Mới đây nghe nói chị lại tính chuyện qua bên đó “thay ca” cho ông nội...

Ra vậy, lúc này nói chuyện ông bà làm “ôsin” nuôi cháu ở trong nước đã là xưa rồi; thời sự bây giờ là chuyện các cụ ngồi máy bay đi cả mấy ngàn cây số sang xứ người nuôi cháu. Mà không ít đâu nhé. Chỉ tính riêng những chỗ thân quen với tôi cũng đến hơn chục trường hợp; không chỉ ở Canada, Mỹ như trên mà còn ở nhiều nước khác như Pháp, Úc, Singapore, Thái Lan...

Con cái những người này ra nước ngoài học tập, sinh sống chẳng phải do quyền thế, giàu có gì bởi họ hầu hết là những gia đình có mức sống trung bình. Được cái là con cái họ học hành khá giỏi, tìm được học bổng du học rồi ở lại bên đó cưới vợ sinh con; hoặc ra trường làm việc trong nước và duyên số đưa đẩy kết hôn với một anh Tây...

Nghĩ mà thương cho các ông bà nội ngoại xứ mình: hết tận tụy nuôi con khôn lớn lại lặn lội đi nuôi cháu tận mãi phương trời xa. Không biết trên thế giới có dân nước nào như thế chăng? Đọc báo, xem phim nước ngoài thấy ít nói đến cảnh này. Giả sử bây giờ có ai đặt ra giải “cả đời vì con, cháu”, hẳn người xứ mình phải nằm trong tốp đầu.

Cũng từ chuyện này mới hiểu thêm rằng việc hội nhập, toàn cầu hóa không chỉ gắn với kinh tế, chính trị lớn lao mà cả với cuộc sống gia đình của không ít người. Và những va chạm, thậm chí đứt gãy về văn hóa xã hội do quá trình ấy tạo ra không phải lúc nào cũng làm lìa tan mối tình thâm nơi con người xứ mình. Chính đó là kết quả của một truyền thống văn hóa luôn coi trọng mối dây huyết thống kết nối chặt chẽ các thế hệ trong gia đình và hơn nữa, coi trọng nếp sống nặng tình nghĩa, đùm bọc lẫn nhau.

Dòng đời trôi nhanh, những đứa cháu lớn lên, chen vai thích cánh với bạn bè năm châu trong khi ông bà ngày càng già yếu, đi lại khó khăn, khi ấy, nhiều trường hợp con cái rước ông bà sang ở chung, hủ hỉ cùng nhau cho đến lúc các cụ mãn phần. Nhưng cũng nhiều khi các cụ như “lá rụng về cội” muốn nằm lại quê nhà với tổ tiên (cũng là một nét văn hóa truyền thống) mặc dù tình thương yêu và nỗi nhớ mong con cháu không phai nhạt - khi ấy liệu những đứa cháu nơi xứ người có còn cảm nhận chút nào hơi ấm từ vòng tay ẵm bồng, từ câu hát ru êm ái của bà; liệu có còn đọng lại những lời khuyên bảo cùng những mẩu chuyện cổ tích của ông? Hay tất cả chỉ được nhắc đến trong lời kể của ba mẹ chúng?

Hy vọng là vẫn còn.

Một chị bạn khác có con lấy chồng người Nhật. Đến lúc con gái sinh nở lại cũng khăn gói sang nuôi cháu bé. Được vài tháng hồi hương, gặp lại bạn bè, ai cũng quở: “Trời đất, đi Nhật mà sao xơ xác quá vậy?”. Chị bạn cười: “Đi làm “ô sin” cho con mà mập mạnh nỗi gì. Suốt ngày cứ tất bật theo cháu, chẳng mấy khi rảnh tay. Chỉ có ngày Chủ nhật hay nghỉ lễ, vợ chồng nó cho lên xe chở đi chơi một vòng là xong. Tính ra sụt mất mấy ký. Được một cái là thằng bé kháu lắm, mới về mấy ngày lại nhớ nó”. Nghe nói mà thương.

Công Thắng

Thời báo Kinh tế Sài Gòn