TIẾNG VIỆT  |  ENGLISH
TIN NỔI BẬT
Thể thao & Văn hóa
“Thành phố đáng sống” bắt đầu từ đâu?

“Thành phố đáng sống” bắt đầu từ đâu?

(TBKTSG) - Khái niệm “thành phố đáng sống” (livable city) đang là mục tiêu được nhiều thành phố trên thế giới hướng đến theo các tiêu chí: chăm sóc sức khỏe, giáo dục, tính bền vững, văn hóa, môi trường và cơ sở hạ tầng. TPHCM cũng đang theo xu hướng này nhưng đối với người dân thành phố vốn vẫn đối mặt nhiều chuyện phiền toái hàng ngày như kẹt xe, ngập nước, thực phẩm chưa an toàn... thì đôi khi, khái niệm “đáng sống” không đâu xa xôi mà có thể bắt đầu từ việc xây thêm nhiều nhà vệ sinh công cộng để người đi đường có chỗ sử dụng khi cần.

Khảo sát của cơ quan chức năng cho thấy, thành phố có nhu cầu xây dựng trên 1.000 nhà vệ sinh công cộng để phục vụ cho 10 triệu dân, riêng tại những khu vực tập trung đông người, khu vực trung tâm thành phố cũng cần đến vài trăm nhà vệ sinh. Chính quyền thành phố cũng bắt đầu “bật đèn xanh” cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia xây nhà vệ sinh công cộng, tuy nhiên số doanh nghiệp bỏ tiền xây nhà vệ sinh công cộng có chất lượng dịch vụ cao chưa nhiều. Hiện chỉ có Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) tài trợ xây khoảng 10 nhà vệ sinh tiêu chuẩn 4-5 sao ở các công viên lớn là Tao Đàn, 23-9, Lê Văn Tám, Gia Định...

 


Công ty cổ phần Thương mại và Truyền thông VinaSing vừa đề xuất với chính quyền thành phố được đầu tư 1.000 nhà vệ sinh công cộng bán kiên cố (có thể di dời nhanh) với tổng vốn là 110 tỉ đồng. Đổi lại nhà đầu tư này muốn được khai thác các biển quảng cáo trên các cầu vượt, cầu bộ hành trong thời gian 15 năm. Trong khi đó, một nhà đầu tư đến từ Thụy Sỹ là Công ty Mister Loo AG cũng muốn đầu tư hàng loạt nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn thành phố theo tiêu chuẩn hiện đại có thu phí với mức đề xuất 5.000-10.000 đồng/lượt (tùy vị trí và đối tượng) để thu hồi vốn đầu tư.

Phó chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến nhận định chính quyền thành phố cần nhiều doanh nghiệp cùng tham gia (xã hội hóa) đầu tư xây nhà vệ sinh công cộng để chia sẻ gánh nặng ngân sách thành phố và đồng ý về chủ trương chung cho phép nhà đầu tư khai thác quảng cáo trên cầu vượt, cầu bộ hành để thu hồi vốn nhưng phải tuân theo các quy định của pháp luật.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, để việc đầu tư xây dựng nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn thành phố đáp ứng đúng nhu cầu, không lãng phí thì các nhà đầu tư cần khảo sát kỹ lưỡng về số lượng, quy mô đầu tư sao cho hợp lý, thiết kế hài hòa với cảnh quan, lưu tâm đến xử lý môi trường về cấp nước và xử lý chất thải triệt để, đảm bảo nhà vệ sinh xây xong có thể phục vụ cho tất cả các đối tượng, từ trẻ em, người già đến người khuyết tật.

Ngoài hai công ty kể trên, hiện liên doanh Công ty cổ phần Công nghệ Kim Hoàng Hiệp Tiên Phong và Công ty cổ phần Xây dựng và Đầu tư phát triển công nghiệp CIID... cũng muốn đầu tư xây nhà vệ sinh công cộng tại thành phố.

Tuy nhiên các cơ quan chức năng khi xét duyệt các dự án sẽ phải cân nhắc rất nhiều yếu tố. Chẳng hạn nhà vệ sinh khi xây lên dù có đạt tiêu chuẩn 4 hay 5 sao thì vẫn phải có mức thu hợp lý để mọi người có thể sử dụng. Hoặc nếu mức đầu tư ban đầu cho nhà vệ sinh là quá thấp cũng có thể dẫn đến chất lượng dịch vụ không tốt về sau. Rồi còn phải lưu ý đến việc duy trì, bảo dưỡng, vệ sinh...

Chẳng hạn đối với đề xuất của Công ty Mister Loo AG, dù chất lượng nhà vệ sinh công cộng được nhà đầu tư khẳng định làm đúng tiêu chuẩn “quốc tế” với số vốn đầu tư xấp xỉ 40.000 đô la Mỹ/cái nhưng mức phí dự kiến thu có lẽ sẽ khó phù hợp với những người nghèo, người thu nhập thấp. Trong khi đối với đề xuất của VinaSing thì chi phí đầu tư cho nhà vệ sinh chỉ 110 triệu đồng/cái là khá thấp.

Đối với đề xuất của VinaSing còn có điểm đáng lưu ý là quyền khai thác quảng cáo trên hơn 40 cây cầu vượt, cầu bộ hành tại thành phố trong 15 năm, với số tiền đầu tư 110 tỉ đồng, tính ra mỗi năm nhà đầu tư này trả trước cho thành phố trên dưới 7 tỉ, số tiền này liệu có tương xứng với giá trị quảng cáo sẽ được thu về của hơn 40 cây cầu vượt, cầu bộ hành hiện có mỗi năm.

Nếu việc quảng cáo trên các cây cầu vượt, cầu bộ hành được cho phép, liệu rằng chúng ta có thể tính đến phương án khác có thể tăng tính hiệu quả hơn bằng cách tổ chức đấu thầu quyền khai thác quảng cáo tại các cầu để chọn đơn vị bỏ giá cao nhất. Sau đó, lấy khoản tiền thu được để thuê lại các đơn vị chuyên về môi trường, xử lý chất thải xây nhà vệ sinh công cộng chất lượng cao và quản lý một cách chuyên nghiệp. Bằng cách làm này vừa đảm bảo việc khai thác tài sản công (cầu vượt, cầu bộ hành) một cách hiệu quả, vừa đảm bảo chất lượng dịch vụ công trình công cộng (nhà vệ sinh) về sau.

Văn Nam

Thời báo Kinh tế Sài Gòn