Các quảng cáo thành công nhất mọi thời đại thường khai thác các chủ đề vô cùng đa dạng, từ hài hước, thậm chí ngớ ngẩn, châm biếm hay lấy đi nước mắt của người xem… nhưng nhìn chung, đều đề cao sự sáng tạo và phù hợp với hoàn cảnh.
Một chiến dịch quảng cáo thành công không chỉ ảnh hưởng đến hình ảnh, thương hiệu của một công ty mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu và lợi nhuận của công ty đó. Tuy nhiên, không có một công thức chung nào để phát triển một chiến dịch quảng cáo thành công.
Dưới đây là 10 chiến dịch quảng cáo được đánh giá là thành công nhất mọi thời đại thường được xem là nguồn cảm hứng cho những người làm quảng cáo học tập:
Avis
Công ty thuê xe mới nổi này đã làm rung chuyển ngành quảng cáo in với chiến dịch "Chúng tôi là số 2, chúng tôi sẽ cố gắng hơn nữa”. Khiêm tốn luôn là một cách hay để lấy lòng những người xung quanh và trong trường hợp của Avis nó đã mang lại kết quả tuyệt vời.
Với thông điệp trên, họ sẽ phải cố gắng tốt hơn công ty số 1 để chiếm lĩnh thị phần. Quảng cáo kết lại bằng câu: “Hàng người xếp hàng xếp chờ tại quầy của chúng tôi ngắn hơn”. Nhờ chiến dịch này, doanh thu và lợi nhuận của Avis đã tăng vọt.
Absolut Vodka
Vào những năm 1980, Absolut Vodka còn khá mới mẻ. Chỉ tính riêng ở thị trường Mỹ tiêu thụ khoảng 40 triệu chai vodka năm nhưng chỉ 1% trong số đó được nhập khẩu và Absolut chỉ xấp xỉ 2,5% trong số 1% đó.
Để cải thiện này hãng sản xuất Absolut Vodka đã quyết định phát động một chiến dịch quảng cáo in dán tường với hàng trăm mẫu chai đặc trưng cho hàng trăm nội dung khác nhau từ âm nhạc, văn hóa, giải trí đến các sự kiện thế giới, lễ hội, thăm dò không gian… Mỗi quảng cáo sẽ nhấn mạnh vào hình ảnh và ánh sáng in trên giấy cùng một khẩu hiệu “Absolut…” gắn với từ khóa phía sau mang tên thương hiệu. Chiến dịch này đã thành công đến mức Absolut hiện nay đã chiếm tới một nửa lượng vodka nhập khẩu tiêu thụ ở Mỹ.
Volkswagen
Khi Volkswagen Beetle bước ra khỏi phạm vi của thị trường châu Âu để tấn công thị trường Mỹ, hãng đã không được chào đón như mong đợi. Hầu hết các gia đình ở Mỹ có xu hướng đông hơn và họ thích một chiếc xe lớn để chuyên chở hành lý và cả trẻ em nhưng Volkswagen Beetle lại là dòng xe cỡ nhỏ nên khó thu hút được khách hàng.
Khi đó, VW chọn một cách tiếp cận đơn giản, hài hước và mỉa mai vào xu hướng thời đại “cái gì cũng phải to” của người Mỹ. Với một bức ảnh đen trắng đơn giản kèm theo khẩu hiệu ngắn gọn “Think Small” (Hãy suy nghĩ nhỏ lại), một cụm từ hấp dẫn hoàn toàn đối lập với cụm từ quen thuộc "Think Big” (Hãy suy nghĩ lớn hơn).
Ngay sau đó, doanh số bán hàng của hãng đã tăng vọt và chiến dịch quảng cáo đã trở thành một trong những quảng cáo nổi tiếng và thành công nhất trong lịch sử ngành quảng cáo.
Coca-Cola
Coca-Cola gần như có mặt ở khắp mọi nơi nhưng thương hiệu này sẽ không đạt được độ phủ sóng như vậy nếu không liên tục tung ra những sản phẩm mới cũng như những chiến dịch quảng cáo để cạnh tranh với các đối thủ.
Một trong những quảng cáo thành công nhất của Coca-Cola thường được nhắc đến chính là quảng cáo đã đạt giải CLIO (giải thưởng hằng năm của ngành quảng cáo, truyền thông) năm 1979.
Trong quảng cáo này, Coca-Cola sử dụng hình ảnh của hai nhân vật, một cậu bé và vận động viên bóng chày chuyên nghiệp Joe Green. Cậu bé rụt rè tiếp cận vận động viên Joe Green có vẻ đang kiệt sức trong đường hầm sân vận động sau khi đội của anh thua và mang cho anh chai Coke của mình.
Joe Green ban đầu cự tuyệt cậu bé, nhưng cuối cùng cũng nhận chai Coke và uống nó. Khi cậu bé bước đi, Green gọi cậu bé lại, nở một nụ cười và tặng cậu chiếc áo của mình. Hành động của cậu bé cùng nụ cười của Joe Green thêm một lần nữa chứng minh rằng các quảng cáo lay động đến trái tim người xem luôn luôn gặt hái được thành công.
Apple
Một trong những chiếc dịch quảng cáo nổi tiếng nhất thường được nhắc của Apple mang tên Super Bowl 1984, quảng cáo được tung ra trước khi Apple công bố sự ra đời của Macintosh. Đoạn quảng cáo nổi bật với hình ảnh một nữ vận động viên điền kinh vác theo một chiếc búa làm gián đoạn đoạn người diễu hành.
Gần kết thúc clip, nữ vận động viên quăng mạnh chiếc búa về phía màn hình một chiếc máy tính chưa từng được nhìn thấy trên thế giới và tuyên bố "Sự thống nhất trong suy nghĩ của chúng ta là một vũ khí mạnh mẽ hơn bất kỳ vũ khí hay đội quân nào trên trái đất... Chúng ta sẽ thắng!".
Sau khi khẩu hiệu dứt, màn hình hiện lên dòng chữ “Ngày 24/1, Apple Inc. sẽ giới thiệu Macintosh. Và bạn sẽ thấy tại sao năm 1984 sẽ không giống như "một chín tám mươi tư" nữa”. Quảng cáo này đã được nhắc tới trong suốt nhiều tháng và thực tế 1984 đã đánh một dấu mốc quan trọng làm thay đổi lịch sử của Apple nói riêng và nền công nghệ thế giới nói chung.
McDonald’s
Khi mọi người cho rằng chẳng còn cách nào để quảng cáo Big Mac nữa thì McDonald’s đã chứng minh điều ngược lại. Năm 1993, hãng đã mời hai ngôi sao bóng rổ nổi tiếng thời đó là Larry Bird và Michael Jordan tham gia quảng cáo. Trong clip quảng cáo hai vận động viên đã cạnh tranh quyết liệt và không bỏ lỡ một shot nào để giành phần thưởng chiến thắng là một phần thức ăn nhanh của McDonald’s.
Budweiser
Khác với những quảng cáo thường lấy hình tượng con người làm trung tâm, hãng bia Budweiser lại sử dụng hình ảnh 3 chú ếch trong quảng cáo của mình. Mặc dù thực tế, ếch và bia không có bất kì sự liên quan nào, nhưng Budweiser đã tạo nên một đoạn hoạt hình vui nhộn trong đó 3 chú ếch nói chuyện với nhau bằng 3 âm tiết Bud-weis-er. Quảng cáo này đã thành công ngoài mong đợi và từng đoạt giải thưởng cao nhất của ngành PR.
Monster
Nếu như quảng cáo hài hước là là cách đáng tin cậy nhất để một quảng cáo thành công thì sự mỉa mai, châm biếm cũng có thể làm được điều tương tự. Monster.com, một trang web đăng quảng cáo tuyển dụng trực tuyến trên toàn thế giới đã chọn cách làm này trong chiến dịch quảng cáo vào năm 1999.
Những đứa trẻ trong đoạn quảng cáo đã được hỏi khi lớn lên chúng muốn làm gì? Nhưng thay vì đưa ra những câu trả lời bình thường như lính cứu hỏa, y tá, bác sĩ, giáo viên,… chúng lại đưa ra những câu trả lời bất ngờ và có vẻ khá tẻ nhạt như "Tôi muốn là tập giấy!" hay “Khi tôi lớn lên, tôi muốn trở thành một người đàn ông!" hoặc "Tôi muốn được đánh giá thấp và trả lương thấp”. Mặc dù câu trả lời có thể không như mong đợi nhưng thực tế nó đã mang lại hiệu quả truyền thông tích cực.
Reebok
Những câu chuyện hài hước luôn làm người xem hứng thú cho dù nó là thật hay dàn dựng. Đó là cách mà chiến dịch quảng cáo mang tên "Terrible" của Reebok đã làm. Quảng cáo nổi bật với hình ảnh một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp to lớn chuyên đi lùng sục để phát hiện những nhân viên văn phòng bị phân tâm, tấn công họ và buộc họ tập trung vào công việc. Chiến dịch quảng cáo này kéo dài giữa các năm 2002-2004 và từng đạt giải thưởng quảng cáo năm 2003.
FedEx
Một trong những quảng cáo hài hước nhất, khó quên và hay bị bắt chước nhất đã được tạo ra bởi Federal Express vào năm 1982. Chiến dịch quảng cáo mang tên "Vua nói nhanh" đã được giao phó vào tay nam diễn viên John Moschitta, Jr. trong vai Mr. Spleen, một nhà điều hành kinh doanh vô cùng bận rộn. Ông vừa gọi điện vừa phỏng vấn người xin việc, ngay sau đó lại tiến hành một cuộc họp hội đồng quản trị, ăn trưa, bàn bạc một thỏa thuận kinh doanh trên điện thoại nói với tốc độ hơn 450 từ một phút…
Cuối clip một đoạn lồng tiếng được lồng ghép vào than thở về những áp lực của một thế giới kinh doanh với nhịp độ điên cuồng cùng khẩu hiệu lịch sử của FedEx công bố vào năm 1979: "Khi bưu kiện nhất định phải đến đó qua đêm".
Kiều Châu (Theo BizLive)